Cách bắt chuyện với người lạ

Ngày: 02/10/2022
Nội dung bài viết

Hằng ngày, chúng ta có thể tiếp xúc với rất nhiều người trong công việc, học tập, sinh hoạt. Trong công việc thì chúng ta phải chủ động tìm kiếm khách hàng, đối tác làm ăn, mở rộng quan hệ xã giao rộng rãi trong các bữa tiệc, các cuộc gặp gỡ,.. đòi hỏi chúng ta phải có kĩ năng giao tiếp tốt, cũng như khả năng bắt chuyện với người lạ.

Tự tin trong giao tiếp sẽ giúp bạn có thể kết bạn với nhiều người, mở rộng các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, giao tiếp với người lạ ngay từ lần đầu gặp mặt, sẽ không tránh khỏi những bối rối, ngại ngùng. Vậy làm thế nào để bắt chuyện với người lạ một cách thoải mái nhất?

Tự tin

Thái độ tự tin sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt với người đối diện. Khi bạn tự tin tiến đến một người lạ và chủ động tiếp chuyện chắc chắn người ấy sẽ không thoát khỏi câu chuyện của bạn đâu. Bắt chuyện với người lạ không tồn tại hai chữ “rụt rè”, đa phần khi gặp người lạ bạn sẽ rất ngại ngùng và kiệm lời nên hãy tự tin. Chỉ có tự tin mới giúp bạn vượt qua được những trở ngại đầu tiên của cuộc giao tiếp. Một điều quan trọng, để thể hiện sự tự tin chính là “nụ cười”, khi bạn ngại ngùng hãy dùng nụ cười của bạn để “chữa cháy”, nụ cười thể hiện sự thân thiện, vui vẻ.

Quan sát người lạ

Hãy quan sát người lạ mà bạn muốn bắt chuyện, nếu có thể hãy lắng nghe một vài thông tin quan trọng về người này. Bạn sẽ chủ động hơn trong việc lựa chọn chủ đề mà mình sẽ nói. Quan sát cử chỉ, thái độ, hành vi, cách giao tiếp của họ với những người khác, bạn sẽ điều chỉnh được cách thức giao tiếp sao cho thoải mái nhất.

Chọn chủ đề để bắt chuyện

Chủ đề bắt chuyện rất quan trọng, với người lạ có tính cách vui vẻ hài hước, thân thiện thì những câu chuyện vui sẽ phù hợp. Với những người có tính lịch thiệp, thì hãy chọn những câu chuyện mang tính chất lịch sự nhẹ nhàng, tránh những câu chuyện đùa giỡn.

Không nên cố gắng tham gia vào những chủ đề mà mình hoàn toàn không biết một thứ gì, vì như vậy bạn sẽ ngại ngùng hơn, lạc lỏng trong câu chuyện và bạn sẽ không tương tác được với người khác.

Tác phong chỉnh chu

Trang phục gọn gàng, tác phong nghiêm túc sẽ là điểm cộng khi bạn tiếp xúc với người lạ, họ sẽ có thiện cảm hơn, tạo được sự tin tưởng. Ấn tượng ban đầu rất quan trọng nên hãy chú ý đến trang phục của mình khi nói chuyện với người lạ. Nhiều người sẽ e dè khi nói chuyện với người ăn mặt không giống ai, hay phong cách chợ búa, ăn to nói lớn.

Biết cách lắng nghe

Lắng nghe thể hiện sự tôn trọng của mình với người nói, một cuộc giao tiếp thành công là có sự tương tác giữa người nói và người nghe. Khi bạn lắng nghe hãy chủ động nhìn về phía đối diện người nói, thỉnh thoảng gật đầu để thể hiện thái độ đồng ý, hay cười nhẹ khi tiếp nhận những câu nói hài hước vui vẻ.

Điều tối kị trong một cuộc giao tiếp là đừng cắt ngang lời của người đang nói, hãy lắng nghe người đó trình bày hết quan điểm của họ. Thì sau đó, những quan điểm bạn nói cũng sẽ được người nghe tiếp thu một cách trọn vẹn hơn.

Giữ khoảng cách cá nhân

Với những người mới gặp lần đầu, bạn nên giữ khoảng cách cá nhân khi nói chuyện. Vì lần đầu gặp gỡ sẽ chưa có đủ sự tin tưởng hoàn toàn để thoải mái tương tác với nhau. Chú ý quan sát thái độ, ngôn ngữ cơ thể của người đối diện để điều chỉnh khoảng cách giao tiếp sao cho lịch sự.

Chú ý âm lượng của giọng nói

Tùy theo ngữ cảnh mình nói chuyện, nếu khu vực ồn ào thì bạn có thể nói lớn hơn một chút, nếu có nhiều người xung quanh cuộc nói chuyện thì bạn nên điều chỉnh âm lượng để tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh. Âm lượng nói vừa phải, đủ nghe, tránh nói quá lớn dễ gây phản ứng không tốt.

Kết thúc cuộc giao tiếp hợp lý

Khi quan sát thấy người nghe lãng tránh câu chuyện của bạn, hay chú ý đến điện thoại cá nhân của họ, thì là lúc họ đang muốn kết thúc câu chuyện, bạn nên chủ động kết thúc. Trước khi kết thúc bạn hãy cảm ơn, xin một cái hẹn gặp lại, biểu hiện cảm xúc vui vẻ khi được nói chuyện với họ.

Hi vọng những chia sẻ từ bài viết sẽ giúp các bạn khắc phục những trở ngại tâm lí khi giao tiếp với người lạ, đồng thời rèn luyện khả năng giao tiếp tốt để cải thiện các mối quan hệ xã hội của bản thân.

Bình luận

Gửi bình luận