Doanh nghiệp phá sản có thể được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp nếu không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước

Ngày: 28/09/2022
Nội dung bài viết

Do tác động của dịch Covid-19, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí phá sản. Vậy trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản, có được xoá nợ thuế hay không? Điều kiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được quy định như thế nào? Hồ sơ đối với người nộp thuế phá sản bao gồm những gì? Bài viết dưới đây, sẽ giúp các bạn tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề này?

Theo Khoản 3, Điều 4, Nghị quyết số 94/2019/QH14 quy định như sau:

“Điều 4. Đối tượng được xử lý nợ

Đối tượng được xử lý nợ là người nộp thuế nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp và thuộc một trong các trường hợp dưới đây, phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 mà không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước:

[…]

3. Người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc đã bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

[…]”

I. Điều kiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế phá sản

  • Khoanh nợ tiền thuế kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
  • Xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 đối với người nộp thuế phá sản không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Điều kiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế phá sản: Người nộp thuế đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc Tòa án có thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

II. Hồ sơ khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế phá sản

Ngày 15/07/2020, Bộ Tài chính chính thức ban hành Thông tư 69/2020/TT-BTC quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp thuế ngân sách nhà nước. Trong đó, quy định cụ thể hồ sơ khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế phá sản tại Điều 9 Thông tư này, như sau:

1. Hồ sơ khoanh nợ tiền thuế

a) Thông báo của Tòa án có thẩm quyền về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc Quyết định mở thủ tục phá sản hoặc Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án nhưng người nộp thuế chưa được xử lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế (bản chính hoặc bản sao có chứng thực);

b) Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (nếu có);

c) Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp người nộp thuế đang nợ đến thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2020 của cơ quan quản lý thuế.

2. Hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp

a) Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 01/VBĐN ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký trừ trường hợp người nộp thuế đã có Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án;

d) Văn bản công khai danh sách người nộp thuế được đề nghị xóa nợ theo mẫu số 01/CK ban hành kèm theo Thông tư này.

Trên đây, là bài viết Doanh nghiệp phá sản có thể được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp nếu không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Hi vọng mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích nhất.

Bình luận

Gửi bình luận