Giao dịch điện tử trong cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế bằng phương thức điện tử

Ngày: 28/09/2022
Nội dung bài viết

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các giao dịch điện tử trong hoạt động về tài chính cũng ngày càng phát triển tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế, đồng thời, đây cũng là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng trong công tác quản lý thuế, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, mang lại hiệu quả thực sự cho cải cách thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến.

Theo đó, giao dịch điện tử cũng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế bằng phương thức điện tử giúp việc nộp thuế và cung cấp các thông tin mới về thuế trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn. Vậy giao dịch điện tử trong cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế được quy định như thế nào? Các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!

Ngày 18/3/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, có hiệu lực kể từ ngày 3/5/2021 (thay thế Thông tư số 110/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015 và Thông tư số 66/2019/TT-BTC ngày 20/9/2019). Trong đó, quy định giao dịch điện tử trong cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế bằng phương thức điện tử tại Điều 33, Điều 34, cụ thể như sau:

I. Tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hỏi đáp vướng mắc của người nộp thuế

1. Lập và gửi câu hỏi, vướng mắc

Người nộp thuế lập và gửi câu hỏi, vướng mắc đến cơ quan thuế theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 4 Thông tư này.

Người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu liên quan đến câu hỏi, vướng mắc điện tử (nếu có) đến cơ quan thuế theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 4 Thông tư này.

2. Thông báo tiếp nhận câu hỏi, vướng mắc

Chậm nhất 15 phút kể từ khi nhận được câu hỏi, vướng mắc của người nộp thuế, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi Thông báo tiếp nhận câu hỏi, vướng mắc điện tử (theo mẫu số 01-1/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) cho người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

3. Xử lý và trả kết quả giải đáp vướng mắc

a) Xử lý câu hỏi, vướng mắc:

a.1) Cơ quan thuế có trách nhiệm giải quyết câu hỏi, vướng mắc của người nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, các Luật thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

a.2) Trong quá trình giải quyết câu hỏi, vướng mắc của người nộp thuế còn thiếu thông tin cần giải trình, bổ sung tài liệu thì cơ quan thuế gửi văn bản đề nghị giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu cho người nộp thuế theo quy tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tiếp nhận văn bản giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu của người nộp thuế đối với hồ sơ vướng mắc của người nộp thuế đã tiếp nhận bằng phương thức điện tử.

b) Trả kết quả giải đáp vướng mắc

Cơ quan thuế gửi kết quả giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

II. Tra cứu thông tin của người nộp thuế

1. Người nộp thuế sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu, xem, in toàn bộ thông tin về hồ sơ, chứng từ, thông báo, quyết định, văn bản đã nhận/gửi giữa cơ quan thuế và người nộp thuế; tra cứu nghĩa vụ kê khai, tra cứu thông tin nghĩa vụ theo hồ sơ, chứng từ, quyết định; tra cứu số thuế còn phải nộp. Các thông tin của các thông báo, quyết định, văn bản của cơ quan thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế có giá trị xác nhận như văn bản bằng giấy của cơ quan thuế.

Người nộp thuế có thể tra cứu tình hình xử lý hồ sơ thuế điện tử theo mã giao dịch điện tử, riêng chứng từ nộp NSNN thì tra cứu theo “số tham chiếu”.

2. Người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử, sử dụng mã giao dịch điện tử được cấp theo từng lần để tra cứu thông tin đã giao dịch với cơ quan thuế.

3. Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế thông báo trên tài khoản giao dịch thuế điện tử của người nộp thuế do Tổng cục Thuế cấp về tình hình xử lý các khoản phải nộp, đã nộp, còn phải nộp, nộp thừa, miễn, giảm/xóa nợ, được hoàn, còn được hoàn phát sinh trong tháng trước và các khoản còn phải nộp, nộp thừa đến thời điểm cuối tháng trước đã được ghi nhận trong hệ thống ứng dụng quản lý thuế.

Trên đây, là bài viết GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ TRONG CUNG CẤP CÁC DỊCH VỤ HỖ TRỢ NGƯỜI NỘP THUẾ BẰNG PHƯƠNG THỨC ĐIỆN TỬ. Hi vọng sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích nhất về thuế.

Bình luận

Gửi bình luận