Làm sao để trở thành một người viết tốt? Những kỹ năng viết lách mà bạn nên biết?

Ngày: 02/10/2022
Nội dung bài viết

Viết là một kĩ năng rất quan trọng không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà càng giúp ích rất lớn trong công việc và sự nghiệp của mỗi người. Khả năng viết lách sẽ giúp bạn truyền tải suy nghĩ và ý tưởng của mình tốt hơn thông qua những con chữ, tuy nhiên không phải ai sinh ra cũng có năng khiếu viết. Để viết thật hay, mang đến cảm xúc cho người đọc cần rất nhiều yếu tố, do đó nếu muốn trở thành một người có kỹ năng viết lách tốt bạn cần luyện tập, trau dồi kiến thức và luyện tập mỗi ngày!

“Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là do khổ luyện” - Albert Einstein. Rèn luyện bản thân luôn là bước khởi đầu của sự thành công. Con người không ai sinh ra đã hoàn hảo, chính vì vậy việc học hỏi và rèn luyện bản thân mỗi ngày sẽ giúp chúng ta trưởng thành hoàn thiện bản thân hơn sẵn sàng đối diện và đương đầu với mọi sóng gió trong cuộc đời. Viết lách cũng vậy, nếu yêu thích, đam mê và cố gắng theo đuổi, bạn cũng sẽ dần rèn luyện được và đạt được nhiều thành tích trong công việc cũng như học tập của riêng mình.

Muốn viết tốt, bạn cần rèn luyện mỗi ngày, càng viết nhiều thì kỹ năng của bạn sẽ càng nâng cấp. Vì vậy, nếu muốn theo đuổi con đường viết chuyên nghiệp hay muốn tập tành khám phá để phát triển bản thân, dưới đây là những chia sẻ về kỹ năng viết lách, hy vọng sẽ có ích:

1. Hãy đọc thật nhiều

Đọc sách chính là tiền đề của việc viết. Muốn viết tốt, hãy đọc thật nhiều. Đọc sách giúp bạn suy nghĩ nhiều hơn, tăng kiến thức, làm tăng vốn từ, khả năng sáng tạo, đồng thời khiến bạn nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo và phát triển tư duy . Kiến thức là mênh mông vô tận. “Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước. Các điều chúng ta không biết là cả một đại dương” - Newton. Càng đọc nhiều, chúng ta càng có thêm những kiến thức sâu rộng về cuộc đời, về con người, về những vùng đất với những nền văn hóa khác nhau,… giúp chúng ta có những nhận thức, khám phá sâu sắc hơn về hiện thực cuộc sống và về chính bản thân mình. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đọc cái bài viết mà mình quan tâm, yêu thích trên mạng xã hội, các blog, các group về content/viết lách hoặc theo dõi các cây bút viết tốt cũng là cách giúp bạn nâng cao vốn từ của mình.

Khi bạn đọc nhiều, bạn sẽ học được nhiều cách diễn đạt, cách trình bày của tác giả, từ đó học hỏi và vận dụng vào chính bài viết của mình. Hãy đọc thật nhiều thể loại từ văn học, sách kinh tế, sách kỹ năng, truyền cảm hứng..., đọc bất cứ lúc nào, đọc mọi nơi mọi lúc, bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều bất ngờ mà bạn chưa từng nghĩ đến. Đọc càng nhiều bạn sẽ tìm ra những tác giả hay phong cách bạn yêu thích để “bắt chước” lối hành văn  của họ. Hãy vừa đọc vừa ghi chú những đoạn văn hay, câu trích dẫn, kiến thức hay, hoặc đôi khi chỉ là cách dùng từ thú vị, học hỏi dần dần thì lối diễn đạt của bạn cũng sẽ được cải thiện một cách tự nhiên nhất.

2. Viết mỗi ngày

Viết những gì bạn yêu thích, đừng khiến việc viết này trở nên quá nặng nề. Bạn có thể bắt đầu viết không hay nhưng nếu kiên trì rèn luyện thì khả năng của bạn sẽ được nâng cấp mỗi ngày. Việc viết mỗi ngày sẽ giúp bạn linh hoạt hơn trong câu từ, nâng cao vốn từ vựng, phát triển khả năng sáng tạo và tư duy. Rèn luyện viết hàng ngày không chỉ giúp bạn hình thành được thói quen viết một cách tự nhiên nhất, mà còn mang lại nhiều tác động tới cuộc sống của bạn. Hãy dành ra 15 - 30 phút mỗi ngày để viết bạn sẽ cảm thấy của mình đã thay đổi tích cực như thế nào!

Nếu bạn muốn giỏi cái gì đó, bạn phải trải qua quá trình học hỏi và rèn luyện. Hãy viết tất cả những gì mình thích, mình muốn như viết nhật ký, chia sẻ trải nghiệm, cảm xúc của bản thân, review những món ăn, bộ phim hay cuốn sách mà bạn tâm đắc nhất,… Viết thứ bạn yêu thích thì bạn sẽ càng đam mê và viết càng hay. Sau đó, bạn cũng có thể đăng bài viết trên Facebook cá nhân, tham gia vào các hội nhóm viết hoặc lập một blog về content/viết lách để thỏa mái chia sẻ những suy nghĩ của bản thân mình. Hãy biến việc viết thành thói quen và duy trì thói quen này! Nếu có thể, hãy viết mọi lúc mọi nơi bạn nhé!

3. Học cách trình bày

Để bài viết của mình trở nên hay, tạo cảm xúc và ấn tượng với người đọc, bạn cần phải biết cách trình bày bố cục bài viết bao gồm viết cái gì, viết thế nào, trình bày ý nào trước, ý nào sau, mở đầu như thế nào, sau đó viết gì, kết luận ra sao,…

Dàn ý, trình tự bài viết có thể tương tự nhau nhưng không phải ai cũng có thể viết hay như nhau. Do đó, điều bạn cần làm lại tạo nên điểm nhấn, biết cách trình bày một bài viết phải có những nguyên tắc nào. Mỗi loại văn bản đều có một quy chuẩn riêng về phong cách trình bày, do đó bạn cần phải nắm vững để từ đó tạo nên phong cách viết riêng của mình. Để có một bài viết chất lượng, bạn nên tập trung về chất lượng chứ không phải là số lượng. Trước khi viết nhiều, viết hay thì việc bạn viết đúng, rõ ràng, nội dung chi tiết đã là viết tốt rồi. Vậy nên, trước khi viết hay lên ý tưởng, viết những ý chính, viết tất cả những gì có trong đầu bạn, sau đó là những ý nhỏ rồi sắp xếp thành một bài viết hoàn chỉnh. Như vậy bạn đã có một bài viết rồi. Cứ viết mỗi ngày bạn sẽ có thể viết hay và viết nhanh mà thôi!

4. Nhờ người khác đánh giá bài viết

Để có thể phát triển kỹ năng viết của mình bạn cần phải luôn rèn luyện, đồng thời phải chia sẻ bài viết để được nhiều người biết đến, đây cũng sẽ là người đánh giá bài viết của bạn. Thực ra, bài viết được nhiều người đọc và tương tác sẽ là động lực để mỗi chũng ta có thể phát triển và viết tốt hơn. Bạn cũng có thể việc tìm những người có cùng đam mê với bạn để cùng nhau viết lác, cùng góp ý, sửa chữa bài viết học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển kỹ năng của nhau.

Nếu muốn viết hay, đừng ngần ngại để người khác đánh giá bài viết của bạn, vì khi bạn tự viết và tự đọc thì rất khó nhìn ra những điểm yếu mà mình cần cải thiện. Một bài viết tốt thì cần nhận được sự đánh giá khách quan. Đừng chỉ viết cho riêng mình, hãy chia sẻ trên mạng xã hội hay trên các blog,… Dù khởi đầu có thể chỉ ít người đọc hoặc thậm chỉ là chưa ai quan tâm nhưng bạn đừng “ngại” vì khi bạn viết nhiều và chất lượng thì số lượng người đọc, tương tác với bài viết của bạn cũng sẽ tăng dần, khi đó bạn sẽ có cảm hứng để viết nhiều chủ đề hơn.

 “Chúng tôi viết để thưởng thức cuộc sống hai lần, hiện tại và cả hồi tưởng quá khứ” - Anaïs Nin. Viết lách có thể vừa là công việc, vừa là đam mê, cũng có thể là nơi để bạn giải bày những tâm sự của chính mình. Nếu đam mê và yêu thích việc viết lách thì bạn cứ tự tin mà viết đi. Ban đầu, viết không hay cũng không sao miễn là bạn vẫn cứ theo đuổi thì dần dần bạn cũng sẽ trở thành một cây bút chuyên nghiệp mà thôi. Hãy sống với đam mê của chính mình. Đừng dễ bỏ cuộc nha! Chúc bạn thành công !

Bình luận

Gửi bình luận