[Review sách] - Đừng bận mà vẫn nghèo - Ông chú Tiểu Xuyên

Ngày: 06/07/2022
Nội dung bài viết

Đừng bận mà vẫn nghèo của tác giả Ông chú Tiểu Xuyên là cuốn sách truyền động lực sống tích cực cho các bạn trẻ đang hoang mang, hối hả với cuộc sống đầy xô bồ, đang lẩn quẩn trong vòng xoáy của công việc và gia đình. Cuốn sách là cẩm nang giúp bạn vượt qua được những rào cản khó khăn để thành công hơn trong cuộc sống.

“Cuộc đời một con người bình thường rốt cuộc sẽ phải trải qua bao nhiêu thay đổi? Nói thật tôi chưa bao giờ hoang mang, sợ hãi như khoảnh khắc này. […] Cũng chính khoảnh khắc này, viết sách đối với tôi mà nói là một chuyện mới mẻ. Tôi căng thẳng, hồi hộp và bối rối hệt như một người chưa từng viết lách cái gì bao giờ. Nhưng đây là cuốn sách thứ tư của tôi! Với độc giả mới, có thể là cuốn sách đầu tiên, hoặc có lẽ là cuốn sách cuối cùng.” Đó chính là những lời bộc bạch của chính tác giả, năm 35 đến 36 tuổi ông đã xuất bản được ba cuốn sách, đến năm 37 tuổi ông chọn ngừng việc viết lách lại, lý do ông không còn động lực để viết tiếp nữa, nó là một công việc rất vất vả. Nhưng sau khi dừng việc viết lách ông đã tham gia rất nhiều chương trình giảng dạy, hội thảo, tư vấn hướng nghiệp, ông trở nên bận rộn hơn trước nữa, thay vì viết sách thì Ông đọc nhiều sách hơn. Tại sao Ông lại chọn bận rộn như vậy câu trả lời là vì “tôi sợ”. Cái sợ ở đây chính là sợ mình rảnh rỗi, sợ bản thân mình nghèo đi, sợ bản thân mình chán ghét chính mình, sợ mình không biết phải làm gì, sợ đánh mất niềm tin vào cuộc sống, sợ mình chưa đủ trải nghiệm. Sự trải nghiệm trong bận rộn chính là cách trau dồi vốn sống, cách ông không bao giờ nghèo đi cả về tài chính, lẫn tâm hồn. Bận rộn cũng chính là cách để tìm được chính bản thân mình phù hợp với cái gì, từ một người tự ti, ông đã không ngừng nỗ lực để đạt được thành công mà mình muốn.

Với dòng chảy của cuộc đời mỗi giai đoạn sẽ có những ngã rẽ khác nhau, mà bắt buộc bản thân phải dừng lại để rẽ sang một hướng khác phù hợp hơn. Việc dừng lại không đáng sợ, đáng sợ là bạn dù rất bận nhưng vẫn nghèo. Ông chú Tiểu Xuyên mất mười năm để đi tìm giá trị thực sự của bản thân mình, giá trị không nằm ở những lời khen, những bộ đồ hàng hiệu mà nó nằm ở chỗ “kể cả không đi làm tôi vẫn có năng lực nuôi sống được bản thân”.

“Sự trưởng thành của con người ta luôn bắt đầu từ nội tâm. Nội tâm đã đủ kiên cường, mạnh mẽ, thì bề ngoài sẽ thay đổi chỉ trong một đêm mà thôi.” Chỉ cần bạn không từ bỏ cố gắng , không ngừng xây dựng nội tâm từ những trải nghiệm, tôn trọng những gì đã mất từ đó rút kinh nghiệm, luôn hướng về phía trước để đón nhận những điều tốt đẹp hơn. Ai rồi cũng phải trưởng thành, phải tự mình gánh vác mọi áp lực của cuộc sống và cả nỗi tuyệt vọng của bản thân.

Bạn không thể biết trước được năm 20 tuổi, năm 30 tuổi hay năm 40 tuổi bạn sẽ có những bước chuyển như thế nào? Mỗi cột mốc cuộc đời là những nỗi lo lắng khác nhau, năm  20 tuổi thì xông pha ra đời trong tâm thế vô tư, nhìn đời bằng cặp mắt đầy hy vọng, năm 30 tuổi lo lắng về tiền lương, công việc không thăng tiến, đến năm 40 tuổi lại lo mình già đi, cơm áo gạo tiền, sức khỏe bắt đầu có dấu hiệu đi xuống. Thế mới biết thời gian trôi đi đáng sợ cỡ nào, nếu như bạn không bắt đầu hành động ngay lúc này bạn sẽ là kẻ nghèo cả về tiền bạc lẫn tâm hồn.

Cuốn sách “Đừng bận mà vẫn nghèo” sẽ giúp bạn mở rộng tư duy về bận rộn có kế hoạch, bận rộn hiệu quả, hãy biến sự bận rộn trở thành của cải cho bạn, không tiền bạc thì là kiến thức, là trải nghiệm quý giá trên con đường chinh phục bản thân.

Bình luận

Gửi bình luận