[Review sách] - Phù Sinh Lục Ký - Thẩm Phục

Ngày: 21/09/2022
Nội dung bài viết

“Phù Sinh Lục Ký” của tác giả Thẩm Phục một cuốn sách kinh điển của giới cổ văn Trung Quốc. “Cuốn sách ấy là Phù sinh lục ký, vì nó có thể đọc đi đọc lại, giống như thơ vậy, đọc lên thấy thích thú và gợi cho mình nhiều suy nghĩ khác nhau.”

Thẩm Phục tự là Tam Bạch hiệu Mai Dật, dù xuất thân trong một gia đình khó khăn nhưng Ông luôn giữ tâm thái mình lạc quan với cuộc sống, nhẹ nhàng, bình thản, tính cách hào sảng, giàu tình cảm. Chính vì những tính cách như thế, các tác phẩm được ông viết ra luôn có văn phong nhẹ nhàng, tản mạng tựa như thơ, gần gũi với cuộc sống bình yên và giản dị. “Phù Sinh Lục Ký” được tác giả viết khi còn sinh thời, nhưng do không có điều kiện để xuất bản, mà mãi sau này khi ông mất đi thì mới được xuất bản, nhưng đã bị mất 2 ký, sau này có bổ sung thêm 2 ký thứ 5: “Trải Trung Sơn” và ký thứ 6: “Nhàn dưỡng sinh” nhưng được cho là ngụy tác. Cuốn sách đã được xuất bản 120 lần tại Trung Quốc, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, giá trị của tác phẩm được đưa cả vào sách giao khoa Trung Quốc như một cổ văn kinh điển.

Một cuộc sống nhẹ nhàng, tản bộ ngắm nhìn những cảnh đẹp thiên nhiên, trồng hoa, thưởng hoa, cắm hoa nghệ thuật, pha một ấm trà ngồi thưởng cảnh, tạo ra những khung cảnh sống tự do tự tại của một cặp đôi vợ chồng. “Điểm xuyết hoa, đá trong bồn, cảnh nhỏ có thể vẽ tranh, cảnh lớn có thể nhập thần. Pha một ấm trà thơm, tinh thần có thể đắm chìm vào nó được, thì bồn cảnh ấy mới đáng để thưởng ngoạn ở chốn u trai này.”

“Trồng hoa thủy tiên, không có lá Linh Bích, tôi từng lấy những viên than có vẻ giống đá mà thay vào. Lõi cải thảo có sắc trắng như ngọc, lấy năm, bảy cái lớn nhỏ, thêm cát đổ vào bồn hình chữ nhật mà trồng, rồi lấy than thay đá xếp dưới gốc, màu đen trăng phân minh, cũng rất có ý vị. Cứ đó mà suy, có thể nói là nhã thú vô cùng, khó có thể nêu ra hết được.”

“Nhà nghèo, buồng chật người đông, nên phỏng theo như cách bài trí chỗ khoang sau trong thuyền Thái Bình, dời đổi thêm một chút trong đó. Lấy bệ bậc làm giường, trước sau kê gá với nhau, có thể làm được ba phản, dùng ván dán giấy ngăn cách, thì trước sau trên dưới điều cách tuyệt, tỉ như đi chỗ đường dài, thì sẽ không thấy chật hẹp nữa.”

“Mình cắm hoa, thấy đủ cả cảnh nắng gió mưa sương, có thể nói là tinh diệu nhập thần. Nhưng trong hội họa có cách vẽ côn trùng điểm xuyết vào, chàng thử bắt chước phỏng theo như thế xem”. “ Côn trùng khi chết đi màu sắc vẫn không đổi, mình lấy mấy con bọ ngựa, ve sầu, bươm bướm, lấy kim đâm chết, rồi dùng dây tơ mảnh buộc chúng vào giữa khóm hoa cỏ, chỉnh cho chân chúng hoặc ôm lấy cành, hoặc đậu trên lá, hệt như lúc sống, chẳng cũng hay lắm ư?” Đây cũng chính là một trong những hình ảnh trên bìa sách.

Một cuộc du sơn ngoạn thủy, lấy cảnh làm nhà, một vợ một chồng thơ mộng biết bao.

“Tiếc rằng nàng là phận gái, chứ nếu có thể hoá nữ thành nam, rồi chúng ta cùng đi thăm danh sơn, tìm thắng tích, ngao du thiên hạ, chẳng cũng thích lắm ư?”

Vân nói: “Việc ấy có gì khó, đợi đến khi thiếp bạc mái đầu rồi, tuy chẳng thể xa chơi Ngũ Nhạc, nhưng những chỗ gần đây như Hổ Phụ, Linh Nham, nam đến Tây Hồ, bắc đến Bình Sơn, thảy đều có thể cùng chàng tới chơi được.”

Tôi nói: “E là khi nàng đầu bạc thì một bước đi cũng khó.”

Vân nói: “Kiếp này chẳng thể, thì hẹn kiếp sau.”

Tôi nói: “Kiếp sau nàng nên là con trai, còn ta là gái theo nàng.”

Cuốn sách gồm 6 ký : Vui khuê phòng, Thú nhàn tình, Sắc trắc trở, Khoái lãng du, Trải Trung Sơn, Nhàn dưỡng sinh. Một cuốn sách hội đủ những điển tích, những câu chuyện thi vị của cuộc đời, cùng đó là những hiểu biết uyên bác của tác giả đã tạo nên một kiệt tác văn học.

Bình luận

Gửi bình luận