Quy định xử phạt đối với hành vi trốn thuế hải quan

Ngày: 28/09/2022
Nội dung bài viết

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, chính vì vậy xuất nhập khẩu cũng có những thay đổi lớn, chuyển dịch theo hướng tích cực và đa dạng hoá. Tuy nhiên, cùng với đó có những doanh nghiệp đã có những thủ đoạn gian lận, trốn thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu. Để tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật về hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ ban hành Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, trong đó quy định xử phạt hành vi trốn thuế, có hiệu lực từ ngày 10/12/2020. Các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu rõ hơn về các quy định này nhé.

Người nộp thuế có hành vi trốn thuế trong lĩnh vực hải quan sẽ bị xử phạt theo Điều 14 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, cụ thể như sau:

“Điều 14. Xử phạt đối với hành vi trốn thuế

1. Các hành vi trốn thuế gồm:

a) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp, không đúng với thực tế giao dịch để kê khai thuế; tự ý tẩy xóa, sửa chữa chứng từ dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu;

b) Khai sai mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế đối với những mặt hàng đã được Bộ Tài chính, cơ quan hải quan hướng dẫn mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế theo quy định;

c) Vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 3 Điều 9 mà cá nhân, tổ chức vi phạm không nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định trước thời điểm lập biên bản vi phạm;

d) Làm thủ tục xuất khẩu nhưng không xuất khẩu sản phẩm gia công; sản phẩm sản xuất xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất;

đ) Khai sai so với thực tế hàng hóa xuất khẩu về lượng, chủng loại, sản phẩm gia công; sản phẩm sản xuất xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất; hàng tái xuất;

e) Không kê khai về nguyên liệu, vật tư mua trong nước có thuế xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công xuất khẩu; khai sai phần trị giá nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công làm tăng số tiền thuế được miễn đối với sản phẩm gia công khi nhập khẩu trở lại Việt Nam;

g) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, hàng quản lý theo hạn ngạch thuế quan không đúng mục đích mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan hải quan;

h) Khai sai về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào nội địa;

i) Không ghi chép trong sổ sách kế toán các khoản thu, chi liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

k) Bán hàng miễn thuế không đúng đối tượng, định lượng, điều kiện theo quy định của pháp luật;

l) Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế.

2. Người nộp thuế có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền như sau:

a) Phạt 01 lần số tiền thuế trốn trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng;

b) Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,2 lần nhưng không vượt quá 03 lần số tiền thuế trốn.

3. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

4. Quy định tại Điều này không áp dụng đối với các trường hợp vi phạm quy định tại các Điều 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22 Nghị định này.

5. Vi phạm quy định tại các điểm c, h khoản 1 Điều này mà không có chứng từ để khai bổ sung thì xử phạt theo quy định tại khoản 8 Điều 11 Nghị định này.”

Trên đây là bài viết XỬ PHẠT ĐỐI VỚI HÀNH VI TRỐN THUẾ HẢI QUAN. Hi vọng mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích nhất, từ đó thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, tranh những sai sót không đáng có trong tương lai.

Bình luận

Gửi bình luận