3 cuốn sách hay lên án nạn phân biệt chủng tộc ảnh hưởng mạnh mẽ tới người đọc

Ngày: 30/09/2022
Nội dung bài viết

Hiện nay, các “cuộc chiến” chống phân biệt chủng tộc đã diễn ra, đạt nhiều thành quả nhất định hướng đến giấc mơ về một xã hội bình đẳng và nhân ái. Tuy nhiên, kỳ thị chủng tộc và tình trạng phân biệt vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Dưới đây là 3 cuốn sách hay lên án nạn phân biệt chủng tộc mang tính nhân văn sâu sắc, nói lên sự áp bức, nạn phân biệt chủng tộc, đồng thời lên án tình trạng sự kỳ thị người da đen phân biệt chủng tộc, giúp chúng ta nhận thức đúng đắn hơn, thay đổi cách nhìn nhằm xóa bỏ và chấm dứt sự kỳ thị người da màu.

1. Giết Con Chim Nhại - Harper Lee

Giết Con Chim Nhại là một tác phẩm kinh điển của nữ nhà văn Mỹ Harper Lee và cũng là tác phẩm giúp Harper Lee trở thành nữ nhà văn nổi tiếng trên toàn thế giới. Đây là cuốn tiểu thuyết rất được yêu chuộng, là một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới với hơn 10 triệu bản.

Cuốn sách được viết dưới góc nhìn của cô bé Scout, Harper Lee đã mang tới cho người đọc nhiều suy nghĩ sâu sắc về sự áp bức, nạn phân biệt chủng tộc rõ ràng và đau đớn. Tác giả lấy bối cảnh cuộc sống thị trấn Maycomb, miền Nam nước Mỹ, xoay quanh luật sư Atticus Finch và hai người con của ông là Jem và Scout. Atticus nhận bào chữa cho Tom Robinson - một chàng trai da đen hiền lành, tội nghiệp bị khép tội cưỡng hiếp Mayella Ewell - một người phụ nữ da trắng. Atticus đã nói: “Nhưng trước lúc bố sống được với người khác bố nên sống với chính mình. Với một thứ không tuân theo nguyên tắc hầu hết, đó là lương tâm của loài người.”Ông là một luật sư dũng cảm, chân chính, trung thành với quyết định của mình và quyết tâm bào chữa cho Tom đến cùng dù biết chắc mình sẽ thua kiện. Nội dung được truyền tải trong tác phẩm mang tính nhân văn cao, nói lên sự áp bức, nạn phân biệt chủng tộc rõ ràng và đau đớn, tuy nhiên trong đó vẫn có người tốt, đấu tranh cho sự công bằng, vẫn còn niềm tin vào lẽ phải, đừng bao giờ giết hại một con chim nhại vô tội.

2. Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huckleberry Finn - Mark Twain

 “Toàn bộ văn học Mỹ hiện đại đều thoát thai từ một cuốn sách của Mark Twain, đó là Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” - Ernest Hemingway. Câu chuyện kể về những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn trên dòng sông Mississippi cùng với Jim – một nô lệ da đen bỏ trốn. Với ngôn ngữ tráo phúng, tác giả dẫn dắt người đọc vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm, ly kỳ nhưng cũng rất hài hước, qua đó mang tới cho người đọc nhiều suy nghĩ sâu sắc về sự áp bức, nạn phân biệt chủng tộc, đồng thời nó còn là câu chuyện của những tình bạn đẹp, những tấm lòng nhân đạo, lòng dũng cảm, dám dấn thân để chinh phục những điều mình muốn và đặc biệt là đấu tranh để có được tự do.

Cuộc phiêu lưu của Huck và Jim là cuộc hành trình tìm đến tự do, khát vọng, qua đó giúp chúng ta có thêm động lực để vươn mình ra khơi, trải nghiệm bản thân, đối diện với những thương đau, mất mát, tủi nhục, đau khổ để được theo đuổi mục tiêu đời mình. “Hai mươi năm về sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió. Thám hiểm. Mơ mộng. Khám phá” 

“Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (The adventures of Huckleberry Finn) không phải chỉ là một câu chuyện kể những cuộc phiêu lưu ly kỳ của hai chàng thanh niên, một da đen, một da trăng, mà còn là một bản án sâu sắc tố cáo những bỉ ổi của một xã hội chỉ biết lấy đồng tiền và lấy sự phân biệt chủng tộc, bóc lột áp bức làm nội dung chính cho những quan hệ giữ người này với người khác. Cũng như trong “Lời thông cáo” mở đầu cho cuốn sách này, tác giả đã viết; ‘Ai định tìm ra động cơ gì trong câu chuyện này sẽ bị dày ải, còn ai định tìm ra âm mưu gì ở câu chuyện này sẽ bị xử bắn.” Điều đó mới thoạt nghe người đọc sẽ sửng sốt rồi có thể bậc cười, nghĩ đến cái lối mở đầu nghịch ngợm của tác giả, những sau đó không thể không suy nghĩ. Suy nghĩ và liên hệ với hoàn cảnh mà con người có động cơ tốt thì phải giấu kín, có đạo đức tốt thì không được đem ra làm gương cho kẻ khác, và sau cùng là bất cứ một cái gì không khéo cũng có thể bị coi là một âm mưu làm rối loại cái trật tự xã hội của bọn thông trị” - Người dịch Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huckleberry Finn

3. Túp Lều Bác Tom - Harriet Beecher Stowe

Túp Lều Bác Tom là một cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất trong thế kỷ 19 của tác giả Harriet Beecher Stowe phản ánh chân thực cuộc sống của những người nô lệ da màu trong xã hội Mỹ đương thời.

“Tự do, đó là quyền được làm người, và không phải là con vật; quyền được gọi người phụ nữ mà anh yêu là vợ mình, được che chở người ấy chống lại mọi bạo lực bất hợp pháp; quyền được che chở và dạy dỗ con mình, quyền được có một gia đình, một tôn giáo, có nhân phẩm mà không bị một người khác xâm phạm.”

Cuốn sách kể về câu chuyện của một người nô lệ da màu tên là Tom – thật thà, tốt bụng bị tước đoạt đi quyền tự do, hạnh phúc vốn có, bị đánh đập tàn nhẫn, bị mua bán như những món hàng, chịu nhiều khổ cực, bất công đến cuối cùng vẫn phải chết để bảo vệ danh dự của bản thân. Câu chuyện chứa đựng triết lý nhân văn sâu sắc, giữa cái xã hội tối tăm ấy vẫn tràn ngập tình yêu thương con người, phải sống khắc nghiệt nhưng họ vẫn ngay thẳng, tâm trong sạch. Với ngôn ngữ chân thực, đặc sắc, Túp Lều Bác Tom đã lên án một cách mạnh mẽ chế độ nô lệ khốc liệt một cách trần trụi và chân thật khiến người đọc phải xót thương và suy ngẫm. Mỗi câu chuyện, mỗi mảnh đời trong cuốn tiểu thuyết này đều vô cùng xót xa và cảm động, mặc dù có người phải từ biệt cõi đời nhưng cũng có người được giải thoát và sống một cuộc đời hạnh phúc, tự do. Với Túp Lều Bác Tom, nhà văn Stowe đã đã đóng góp một phần vào cuộc giải phóng nô lệ ở thời kỳ đó, và khích lệ mọi người dũng cảm đứng lên đấu tranh giành độc lập. Tổng thống Abraham Lincoln gặp Stowe vào năm 1862 đã chào mừng bà bằng câu nói nổi tiếng: “Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại”.

Bình luận

Gửi bình luận