Bộ sách nhân sự Nhật Bản: học cách quản lý nhân sự từ những tập đoàn hàng đầu thế giới

Ngày: 29/03/2022
Nội dung bài viết

Nhân sự là một trong những nhân tố cốt lõi nếu không muốn nói là quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp. Thiếu vắng nhân sự cốt cán được việc, doanh nghiệp giống như một con người không có cánh tay phải. Bộ sách Nhân sự Nhật Bản gồm 4 cuốn “Tư duy mới về quản trị nhân sự”, “Tầm nhìn chiến lược nhân sự”, “Nghệ thuật tạo động lực cho nhân viên” và “Bí quyết thành công cho người mới đi làm” sẽ cung cấp cho các nhà lãnh đạo, quản lý, người làm nhân sự những kinh nghiệm quản trị nhân sự quý giá từ những tập đoàn hàng đầu thế giới và Nhật Bản.

Bộ sách nhân sự Nhật Bản

 

Tư duy mới về quản trị nhân sự

Công nghệ phát triển khiến ai cũng có thế tiếp cận với kiến thức quản trị tốt nhất trong thời gian ngắn nhất, giúp khoảng cách về tri thức quản trị đang dần được thu hẹp trên phạm vi toàn cầu. Trong môi trường này, không chỉ vật chất, tiền bạc, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng phát triển con người để đảm bảo được vị thế cạnh tranh.

Thông qua 7 chương của cuốn sách “Tư duy mới về quản trị nhân sự”, tác giả Sakai Joe sẽ lần lượt chỉ ra cho lãnh đạo, người phụ trách nhân sự các doanh nghiệp và cả các bạn trẻ muốn theo nghề nhân sự lý thuyết cũng như thực tế đào tạo nguồn nhân lực của Tập đoàn

Công nghệ Freebit- doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân sự hàng đầu Nhật Bản. Độc giả sẽ học được cách lựa chọn đối tượng, xác định thời điểm đào tạo phù hợp, có tư duy thiết kế chương trình đào tạo hiệu quả, giúp tất cả các bộ phận trong công ty thấu hiểu và đều có trách nhiệm với việc đào tạo nguồn nhân lực…

Tầm nhìn chiến lược nhân sự

Trong kinh doanh không có yếu tố nào có thể cải thiện năng suất vượt trội như yếu tố con người. Vì vậy trong một doanh nghiệp nhất định phải có bộ phận hoặc cá nhân chuyên trách về nhân sự với tầm nhìn chiến lược đúng đắn, mang lại lợi thế cạnh tranh rõ nét.

Trong cuốn sách “Tầm nhìn chiến lược nhân sự” này, tác giả Yagi Yoosuke, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác nhân sự tại các tập đoàn hoạt động tại Nhật Bản, sẽ giúp độc giả nhận biết những sai lầm trong cách quản lý nhân sự truyền thống và tầm quan trọng của những quyết định nhân sự có kế hoạch, mục tiêu cụ thể- hay còn gọi là quản lý nhân lực một cách chiến lược.

Đây là những điều bản thân tác giả học được từ nhiều năm làm việc, đặc biệt là tại Tập đoàn General Electric Nhật Bản- nơi được mệnh danh là doanh nghiệp quản lý hiệu quả nhất thế giới. Là một doanh nghiệp vừa kinh doanh có đạo đức, vừa có tính cạnh tranh; cách phát triển và tận dụng nguồn nhân lực của General Electric chắc chắn sẽ là những kinh nghiệm vô cùng quý giá với bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào.

Nghệ thuật kiến tạo động lực cho nhân viên

Làm sao để tạo động lực cho nhân viên khi đồng lương không tăng đáng kể? Khi một nhân viên nói rằng anh ta muốn được trưởng thành, tôi giao cho anh ta công việc đầy thách thức; song vì trưởng thành như mong mỏi ban đầu, anh ta đã phàn nàn không ngớt và cuối cùnglà bỏ việc. Đây chỉ hai trong rất nhiều vấn đề liên quan đến việc tạo động lực cho nhân viên mà các nhà lãnh đạo, quản lý, người làm nhân sự thường gặp phải.

Trong cuốn sách “Nghệ thuật kiến tạo động lực cho nhân viên”, nhà kinh tế & tổ chức học Ota Hajime cho biết, phần lớn lý thuyết về động lực không thể áp dụng vào thực tế. Vì động lực do con người tạo ra, muốn biết được động lực của một người hay một nhóm người thì cần hiểu một người nào đó với tính cách và giá trị quan như vậy, trong hoàn cảnh nhất định sẽ suy nghĩ và hành động ra sao. Từ đó ông đưa ra câu trả lời cho các vấn đề mà các nhà lãnh đạo, quản lý và cả những người làm công ăn lương đang phải đối mặt.

Theo tác giả Ota Hajime việc kiến tạo động lực phải tùy biến theo từng đối tượng, thuộc tính thì mới hiệu quả. Ví như người hướng nội, hướng ngoại, kẻ muốn thăng tiến, người mong ổn định… sẽ thích những động lực khác nhau. Nhân viên nam, nhân viên nữ, người trẻ tuổi, người trung tuổi cũng có những ưu tiên khác nhau trong công việc… Với mỗi đối tượng, tác giả đều đưa ra những gợi ý động lực phù hợp, thậm chí đưa ra phương pháp xử lý trong từng trường hợp cụ thể.

Và có thể nói với những hướng dẫn chi tiết, cụ thể “Nghệ thuật kiến tạo động lực cho nhân viên” tiếp tục là một cuốn sách hữu ích dành cho các nhà quản lý, lãnh đạo, người làm nhân sự trong các doanh nghiệp, tổ chức.

Bí quyết thành công cho người mới đi làm

Thoạt nhìn độc giả dễ có cảm giác cuốn sách “Bí quyết thành công cho người mới đi làm” dường như không cùng chung đối tượng độc giả với 3 cuốn sách đã kể trên của bộ sách. Tuy nhiên, như giải thích của đại diện NXB Nippon Jitsugyo, cuốn sách này là công cụ bổ sung hoàn hảo dành cho những người làm nhân sự, hay làm quản lý, lãnh đạo ở các công ty. Theo đó họ có thể sử dụng cuốn sách như một tài liệu đào tạo dành cho các nhân sự mới tham gia công ty.

Trong cuốn sách này Tiến sĩ kinh tế học Eguchi Katsuhiko sẽ chia sẻ với độc giả 22 bí quyết giúp mọi người có được công việc như ý và cuộc sống hạnh phúc. Đây là những điều được tác giả rút ra từ nhiều chục năm làm việc bên cạnh và nhận chỉ đạo trực tiếp từ người sáng lập Tập đoàn Panasanic- ông Mashushita Konosuke- cũng như đảm nhiệm nhiều công việc khác như: Giám đốc Viện nghiên cứu tổng hợp PHP, Tổng thư ký Hội đồng cố vấn các vấn đề chiến lược của nội các chính phủ Nhật Bản.

Tất cả các mối quan hệ trên thế giới này, suy cho cùng đều là mối quan hệ giữa con người với con người, đồng thời nó đều có những nguyên tắc căn bản. Nếu tuân thủ những nguyên tắc này, mỗi người có thể đạt được kết quả như kỳ vọng và ngược lại. Cuốn sách “Bí quyết thành công dành cho người mới đi làm” sẽ giúp độc giả nhận biết và thực hành những nguyên tắc đó, để “sự nỗ lực, chăm chỉ và những giọt mồ hôi bạn đổ xuống được công nhận”.

Bình luận

Gửi bình luận