Giao dịch điện tử trong xử lý vi phạm hành chính được quy định như thế nào?

Ngày: 03/10/2022
Nội dung bài viết

Hiện nay, so với giao dịch theo phương thức truyền thống, giao dịch điện tử giúp các vấn đề được xử lý nhanh chóng và dễ dàng hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực về thuế tạo thuận tiện cho người nộp thuế cũng như đáp ứng nhu cầu cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng trong công tác quản lý thuế, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Vậy giao dịch điện tử trong xử lý vi phạm hành chính được quy định như thế nào? Đây có lẽ là thắc mắc chung của rất nhiều người khi sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này!

Căn cứ Thông tư số 19/2021/TT-BTC, ngày 18/3/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế có hiệu lực kể từ ngày 03/5/2021, trong đó xử lý hành vi vi phạm hành chính trong giao dịch thuế bằng phương thức điện tử được quy định tại Điều 32 cụ thể với các nội dung sau:

1. Cơ quan thuế lập và gửi Biên bản vi phạm hành chính về xử phạt vi phạm hành chính về thuế bằng phương thức điện tử:

a) Về đăng ký thuế: Người nộp thuế khi có hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế; thời hạn thông báo đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế; thời hạn thông báo đăng ký chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì cơ quan thuế căn cứ ngày nộp hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Thông tư này được ghi trên thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế/hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế/hồ sơ đăng ký chấm dứt hiệu lực mã số thuế (theo mẫu số 01-1/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) và thời hạn quy định tại Luật Quản lý thuế và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế để xác định số ngày chậm nộp hồ sơ và lập Biên bản vi phạm hành chính về xử phạt vi phạm hành chính về thuế gửi cho người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

b) Về khai thuế: Người nộp thuế khi có hành vi vi phạm về chậm nộp hồ sơ khai thuế thì cơ quan thuế căn cứ thời điểm xác nhận nộp hồ sơ khai thuế điện tử theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Thông tư này được ghi trên Thông báo tiếp nhận hồ sơ khai thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này (theo mẫu số 01-1/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) nếu hồ sơ khai thuế được cơ quan thuế chấp nhận tại Thông báo chấp nhận hồ sơ điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế (theo mẫu số 01-2/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) để xác định số ngày chậm nộp hồ sơ và lập Biên bản vi phạm hành chính về xử phạt vi phạm hành chính về thuế gửi cho người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

2. Người nộp thuế tiếp nhận, giải trình Biên bản vi phạm hành chính về xử phạt vi phạm hành chính về thuế bằng phương thức điện tử của cơ quan thuế:

a) Người nộp thuế có trách nhiệm tiếp nhận Biên bản vi phạm hành chính về xử phạt vi phạm hành chính về thuế bằng điện tử do cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

b) Chậm nhất 05 ngày kể từ ngày lập Biên bản xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan thuế và được cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này; người nộp thuế được giải trình bổ sung các nội dung nêu tại Biên bản xử phạt vi phạm hành chính về thuế và gửi cho cơ quan thuế theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư này; hoặc gửi văn bản, hồ sơ giải trình bổ sung thông tin tài liệu bằng giấy đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp; trường hợp người nộp thuế thực hiện giải trình trực tiếp thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày lập Biên bản xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan thuế và được cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này, người nộp thuế phải gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp đến cơ quan thuế lập Biên bản xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

3. Cơ quan thuế ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế bằng phương thức điện tử:

a) Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi Thông báo tiếp nhận hồ sơ giải trình, bổ sung thông tin tài liệu điện tử (theo mẫu số 01-1/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) cho người nộp thuế chậm nhất 15 phút kể từ khi nhận được hồ sơ giải trình, bổ sung thông tin tài liệu điện tử của người nộp thuế.

b) Sau thời hạn giải trình nêu tại khoản 2 Điều này, cơ quan thuế căn cứ hành vi vi phạm hành chính thuế của người nộp thuế đã nêu trong Biên bản vi phạm hành chính thuế và các văn bản, hồ sơ giải trình bổ sung thông tin tài liệu về các tình tiết giảm nhẹ của người nộp thuế (nếu có) để ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và gửi cho người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

Trường hợp không chấp nhận nội dung giải trình, bổ sung thông tin tài liệu của người nộp thuế thì cơ quan thuế gửi Thông báo không chấp nhận giải trình, bổ sung thông tin tài liệu (theo mẫu số 01-2/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) đồng thời cùng với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế cho người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

c) Người nộp thuế có trách nhiệm thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan thuế đã gửi cho người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

Trên đây, là bài viết GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ TRONG XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?. Hi vọng bài viết sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích về các quy định trong giao dịch điện tử về lĩnh vực thuế.

Bình luận

Gửi bình luận