Quy định về nguyên tắc giao dịch thuế điện tử

Ngày: 02/10/2022
Nội dung bài viết

Hiện nay, khi công nghệ phát triển, việc áp dụng dịch vụ nộp thuế điện tử giúp việc nộp thuế trở nên dễ dàng và đơn giản hơn, đồng thời đáp ứng nhu cầu cải thiện trong công tác quản lý thuế của nhà nước. Vậy nguyên tắc giao dịch thuế điện tử được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Căn cứ Điều 4, Thông tư 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 về hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, nguyên tắc giao dịch thuế điện tử được quy định như sau:

Điều 4. Nguyên tắc giao dịch thuế điện tử

1. Người nộp thuế thực hiện giao dịch thuế điện tử phải có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet, có địa chỉ thư điện tử, có chữ ký số theo quy định tại Điều 7 Thông tư này hoặc có số điện thoại di động được một công ty viễn thông ở Việt Nam cấp (đối với cá nhân chưa được cấp chứng thư số) đã đăng ký sử dụng để giao dịch với cơ quan thuế trừ trường hợp người nộp thuế lựa chọn phương thức nộp thuế điện tử theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

2. Người nộp thuế có thể lựa chọn các phương thức sau đây để thực hiện giao dịch thuế điện tử thông qua:

a) Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

b) Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

c) Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác (trừ điểm b khoản này) đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

d) Tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN được Tổng cục Thuế chấp nhận kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

đ) Dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện nộp thuế điện tử.

3. Đăng ký sử dụng phương thức giao dịch thuế điện tử

a) Người nộp thuế giao dịch thuế điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế thì đăng ký thực hiện giao dịch thuế điện tử theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

b) Người nộp thuế giao dịch thuế điện tử thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế thì đăng ký thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản hệ thống.

c) Người nộp thuế giao dịch thuế điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế thì đăng ký thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

d) Người nộp thuế giao dịch thuế điện tử thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN được Tổng cục Thuế chấp nhận kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế thì đăng ký thực hiện giao dịch thuế điện tử theo quy định tại Điều 42 Thông tư này.

Trong cùng một khoảng thời gian, người nộp thuế chỉ được lựa chọn đăng ký, thực hiện một trong các thủ tục hành chính thuế quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư này qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính hoặc một Tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN (trừ trường hợp nêu tại Điều 9 Thông tư này).

đ) Người nộp thuế lựa chọn hình thức nộp thuế điện tử thông qua dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thì đăng ký thực hiện theo hướng dẫn của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

e) Người nộp thuế đã thực hiện đăng ký giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử thì phải thực hiện các giao dịch với cơ quan thuế theo phạm vi quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này bằng phương thức điện tử, trừ các trường hợp quy định tại Điều 9 Thông tư này.

4. Thay đổi sử dụng phương thức giao dịch thuế điện tử

a) Người nộp thuế đã đăng ký sử dụng phương thức giao dịch thuế điện tử theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này được thực hiện giao dịch thuế điện tử theo phương thức quy định tại điểm a khoản 2 Điều này mà không phải thực hiện đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

b) Người nộp thuế đã đăng ký sử dụng phương thức giao dịch thuế điện tử theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều này khi thay đổi phương thức thực hiện giao dịch thuế điện tử theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này thì phải thực hiện đăng ký ngừng sử dụng phương thức giao dịch thuế điện tử theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều này và đăng ký sử dụng phương thức giao dịch thuế điện tử theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này.

c) Người nộp thuế đã đăng ký sử dụng phương thức giao dịch thuế điện tử theo quy định tại điểm c, đ khoản 3 Điều này khi thay đổi phương thức thực hiện giao dịch thuế điện tử theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này thì thực hiện đăng ký sử dụng phương thức giao dịch thuế điện tử theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều này.

5. Người nộp thuế lập và gửi hồ sơ thuế điện tử, chứng từ nộp NSNN điện tử theo một trong các phương thức sau:

a) Lập hồ sơ thuế điện tử, chứng từ nộp NSNN điện tử trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế/Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền/qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN:

a.1) Người nộp thuế truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế/Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền/Cổng thông tin của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN; thực hiện lập hồ sơ thuế điện tử, chứng từ nộp NSNN điện tử trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử mà người nộp thuế đã lựa chọn, ký điện tử và gửi cho cơ quan thuế.

a.2) Tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN có trách nhiệm chuyển hồ sơ thuế điện tử, chứng từ nộp NSNN điện tử của người nộp thuế đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Thông tư này.

b) Riêng hồ sơ khai thuế, người nộp thuế được lựa chọn thêm phương thức lập hồ sơ khai thuế bằng phần mềm, công cụ hỗ trợ kê khai do cơ quan thuế cung cấp hoặc của người nộp thuế đáp ứng chuẩn định dạng dữ liệu của cơ quan thuế; sau đó truy cập vào Cổng thông tin điện tử mà người nộp thuế lựa chọn, ký điện tử và gửi hồ sơ khai thuế điện tử đến cơ quan thuế.

c) Riêng nộp thuế điện tử thông qua dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, người nộp thuế truy cập vào Cổng trao đổi thông tin của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và thực hiện lập chứng từ nộp NSNN theo hướng dẫn của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện chuyển thông tin nộp thuế điện tử của người nộp thuế đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo quy định tại Điều 21 Thông tư này.

6. Người nộp thuế thực hiện tiếp nhận các thông báo và kết quả giải quyết hồ sơ thuế điện tử từ cơ quan thuế bằng phương thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử mà người nộp thuế lựa chọn khi lập và gửi hồ sơ thuế điện tử theo quy định tại khoản 5 Điều này; thường xuyên kiểm tra thư điện tử, tin nhắn qua số điện thoại đã đăng ký với cơ quan thuế, đăng nhập tài khoản giao dịch thuế điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu, xem, in quyết định, thông báo, văn bản cơ quan thuế đã gửi cho người nộp thuế, phản hồi và chấp hành nội dung, yêu cầu tại các quyết định, thông báo, văn bản của cơ quan thuế gửi bằng phương thức điện tử như đối với quyết định, thông báo, văn bản bằng giấy của cơ quan thuế.

Người nộp thuế tự chịu trách nhiệm nếu không kiểm tra, không đọc thông báo, văn bản của cơ quan thuế tại tài khoản giao dịch thuế điện tử và qua địa chỉ thư điện tử, qua tin nhắn điện thoại kể cả trong trường hợp người nộp thuế không truy cập được Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế do lỗi kỹ thuật thuộc về hệ thống hạ tầng, thiết bị của người nộp thuế hoặc do địa chỉ thư điện tử của người nộp thuế đã đăng ký với cơ quan thuế không chính xác.

7. Người nộp thuế, cơ quan thuế, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đã hoàn thành việc thực hiện giao dịch thuế điện tử theo quy định tại Thông tư này thì không phải thực hiện các phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục thuế tương ứng theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Theo đó, Công văn 1194/TCT-KK giới thiệu điểm mới của Thông tư 19/2021/TT-BTC bổ sung những điểm mới về nguyên tắc giao dịch thuế điện tử như sau:

Bổ sung quy định người nộp thuế có thể lựa chọn thêm các phương thức sau đây để thực hiện giao dịch thuế điện tử thông qua: (i) Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; (ii) Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác (trừ điểm (i)) đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; (iii) Dịch vụ thanh toán điện tử của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để thực hiện nộp thuế điện tử.

- Người nộp thuế giao dịch thuế điện tử theo hình thức nào thì phải thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử theo quy định và theo hướng dẫn của từng cơ quan, tổ chức mà mình lựa chọn. Với phương thức thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính thì khi NNT đăng ký sẽ được Tổng cục Thuế cấp thêm 01 tài khoản để thực hiện giao dịch tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trên cơ sở các thông tin mà NNT đã cung cấp khi đăng ký qua các Cổng này mà không cần phải đăng ký thay đổi, bổ sung.

- Người nộp thuế lập và gửi hồ sơ thuế điện tử tại Cổng thông tin điện tử mà NNT đã lựa chọn.

Lý do: để phù hợp với quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Trên đây là bài viết Quy định về nguyên tắc giao dịch thuế điện tử. Hi vọng cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích nhất.

Bình luận

Gửi bình luận