[Review sách] - Cha mẹ độc hại -Susan Forward PH.D. & Craig Buck - Vượt qua di chứng tổn thương và giành lại cuộc đời bạn

Ngày: 01/09/2022
Nội dung bài viết

Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn của những đứa trẻ thơ, thế nên đừng biến “cái nôi” đấy trở thành “nhà tù” giết chết cảm xúc và tương lai của những đứa trẻ bằng việc yêu thương sai cách và bạo lực gia đình. “Cha mẹ độc hại” của tác giả Susan Forward PH.D.& Craig Buck sẽ giúp chúng ta cởi bỏ được nút thắt về những cảm xúc độc hại, “vượt qua di chứng tổn thương và giành lại cuộc đời bạn.

Tình thương yêu của bố mẹ giành con cái là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên thương yêu như thế nào, làm thế nào để không tổn hại những tâm hồn non nớt thì không phải bố mẹ nào cũng có thể làm được. Một hành xử sai, một cách răn dạy không đúng sẽ làm bẻ cong tư duy và nhận thức của các con. Rất nhiều những câu chuyện buồn và thương cảm cho cả cha mẹ lẫn con cái đã xảy ra, khi mà sự đồng điệu và thấu hiểu không còn tồn tại trong một gia đình thì sẽ là một bi kịch.

“Mỗi lựa chọn của bạn dường như đều dính mắc vào mớ tơ vò rối rắm của gia đình. Bạn dần hy sinh đi cảm xúc, lựa chọn và hành vi cá nhân. Bạn không còn là bạn nữa, bạn trở thành một vật kí sinh vào hệ thống gia đình từ lúc nào không hay.” Gia đình giống như là gốc rễ của một con người, một nền tảng gia đình tốt, những tư duy nuôi dạy con tốt thì sẽ giúp cho chúng ta có thể tự do phát triển bản thân, không bị bó buộc, hạn chế cảm xúc. Nếu như chẳng may sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thường hay cãi nhau, văng tục, bạo lực gia đình thì đứa trẻ đó sẽ phát triển không toàn diện về cảm xúc, dễ tổn thương, lo sợ, thậm chí lệch lạc về tư duy và suy nghĩ. Một người Cha quá nghiêm khắc, một người Mẹ quá áp đặt con cái phải làm theo cách của mình, thì sẽ khiến con cái bị phụ thuộc và sẽ chẳng bao giờ rời xa khỏi vòng tay của cha mẹ được. Làm gì, thích gì cũng đều phải hỏi ý kiến. Học gì, yêu ai cũng phải hỏi Cha mẹ, vô tình đã biến bạn trở thành một vật kí sinh vào hệ thống gia đình. Đó chính là độc hại, độc hại ở những điều tưởng chừng như là tốt nhưng hóa ra lại phản tác dụng.

“Rất nhiều người làm cha làm mẹ che giấu hành vi bạo hành lời nói dưới lớp vỏ bọc dạy bảo. Để bào chữa cho những lời độc ác và xúc phạm, họ sử dụng phương cách hợp lý hóa, ví dụ như, “cha mẹ chỉ đang giúp con trở thành người tốt hơn thôi”, hoặc là, “thế giới này rất khó sống, cha mẹ chỉ dạy con cách thích ứng với nó”.” Chúng ta không thể nào tha thứ cho những hành vi bạo hành về lời nói với trẻ em, có thể bạn cho rằng đó là lời nói vô hại, nhưng bạn có biết rằng so với vết thương về thể xác thì vết thương vì những lời nói độc hại càng khó chữa lành hơn rất nhiều. Từng lời nói ra có thể giết chết một con người, nếu tần suất la mắng, bạo lực về lời nói diễn ra trong một thời gian dài sẽ là thuốc độc liều mạnh cho sự phát triển của con trẻ. Xin đừng nhân danh “Cha mẹ dạy bảo” thì có quyền nói gì thì nói nấy, hãy tôn trọng con cái, hãy nuôi dạy con cái bằng những lời hay lẽ phải, con sai thì nhẹ nhàng chỉ bảo, tuyệt đối đừng dùng bạo lực. Đã mang thiên chức làm cha mẹ thì hãy kiên trì hơn, đừng vì chút nóng nảy và tư duy chủ quan của mình mà bóp chặt tư duy còn non trẻ của các con.

Không có gì đáng sợ hơn khi chúng ta sống trong một gia đình độc hại, chẳng khác nào một nhà tù chung thân. Gia đình là một nơi thiêng liêng lắm, nhưng không phải ai cũng biết tôn trọng và gìn giữ. Thông qua cuốn sách này, bằng những trải nghiệm thực tế của chính tác giả trong việc chữa lành tâm lý của những người đã bị tổn thương vì những tư duy độc hại của cha mẹ. Hy vọng rằng sẽ giúp cho những ai đang gặp phải vấn đề này dễ dàng bước qua chướng ngại để hòa nhập vào cuộc sống dễ dàng hơn. Hãy đồng cảm và thương yêu hơn những người bị tổn thương.  

Bình luận

Gửi bình luận