[Review sách] - Đời sống bí ẩn của cây - Peter Wohlleben - Thế giới cây cỏ xung quanh chúng ta

Ngày: 02/08/2022
Nội dung bài viết

Cuốn sách “Đời sống bí ẩn của cây” được chắp bút bởi Ông Peter Wohlleben, ngay khi vừa ra mắt thì cuốn sách đã trở nên nổi tiếng, trở thành chủ đề tranh luận ở nhiều nước trên thế giới bởi nội dung mới lạ, cùng với những khám phá đặc biệt về thế giới cây cỏ xung quanh chúng ta.

Với kinh nghiệm của một nhà quản lý rừng lâu năm, sau đó chuyển sang làm công tác tổ chức huấn luyện sinh tồn và xây dựng các tour du lịch nhà gỗ trong rừng, Ông Peter Wohlleben đã có những cái nhìn mới mẻ rằng : “Du khách bị hút hồn bởi những thân cây cong vẹo, xương xẩu mà trước đây tôi sẽ loại bỏ vì chúng có giá trị thương mại thấp. Đi cùng với những du khách của mình, tôi biết lưu tâm đến nhiều thứ khác hơn ngoài giá trị của thân cây.”

Cuốn sách sẽ giúp cho chúng ta mở lòng biết ơn với cây cỏ, bởi những giá trị mà nó mang lại, nếu không đọc “đời sống của cây” có lẽ chúng ta sẽ chỉ nghĩ rằng, những cái cây trong khu rừng chỉ đơn giản là những cái cây, hoàn toàn không có giá trị gì ngoài lợi ích thương mại, kinh tế. Thế nhưng bạn sẽ phải thay đổi hoàn toàn sau khi đọc xong cuốn sách này. Cây sống trong một khu rừng không hề tĩnh lặng, xưa giờ chúng ta chỉ nghĩ động vật mới có thể giao tiếp, mới là sinh vật sống thực sự. Tuy nhiên, những cái cây hoàn toàn không phải là vật vô tri vô giác như chúng ta nghĩ, cây biết giao tiếp, biết nương tựa, che chắn cho nhau trước nguy hiểm, cây chia sẻ chất dinh dưỡng cho nhau thông qua rễ, cùng nhau phát triển, thậm chí nó còn có thể cảnh báo những nguy hiểm và rủi ro cho nhau. Bạn có muốn biết cây giao tiếp với nhau bằng cách gì hay không, thật bất ngờ đấy chính là mùi hương của chúng, điều này có điểm tương đồng với một số loài động vật giao tiếp bằng cách sử dụng pheromone hay những tín hiệu hóa học.

Cây rừng cũng như là một sinh vật xã hội, nó không phải là một cá thể độc lập, đó là sự liên kết, ràng buộc bởi các mối quan hệ với những sinh vật xung quanh nó, từ cùng loài cho đến khác loài, thậm chí chúng có khả năng tạo ra một môi trường tối ưu, đảm bảo tuổi thọ của chúng. “Lý do cũng giống như trong cộng đồng loài người chúng ta: hợp tác sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn” là quan điểm của Ông Peter Wohlleben.

Cây cối cũng có “tình yêu” theo cách riêng của nó, theo Ông Peter Wohlleben: “Cây sẽ trì hoãn việc ‘yêu đương’ tạo ra thế hệ kế tiếp, vì vậy suốt mùa đông lũ động vật mang thai phải căng mình chịu đựng một thời gian dài với rất ít thức ăn, và nhiều con sẽ không sống sót nổi. Khi tất cả dẻ gai và sồi đồng loạt nở hoa vào cùng thời điểm rồi kết trái, số thú ăn thực vật ít ỏi còn lại sẽ không thể nào phá hủy được mọi thứ…”.

Việc so sánh đời sống cây cỏ có nét tương đồng với đời sống động vật, với những ngôn từ trong cuốn sách được cho là “cảm tính” không phù hợp để mô tả về thực vật, đã trở thành để tài tranh luận. Tuy nhiên, không vì thế mà cuốn sách mất đi giá trị của nó, cuốn sách giống như là một phát hiện thú vị, xứng đáng trở thành cuốn sách được tuyên truyền đến trẻ em, các bạn trẻ trong bối cảnh mà chúng ta cần phải bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng chính là bảo vệ sự sống của chúng ta.

Với tình yêu thương vô bờ bến giành cho cây cỏ, cùng với những trải nghiệm thực tế và nghiên cứu nghiêm túc của Ông Peter Wohlleben đã giúp chúng ta mở mang thêm kiến thức mới mà trước đó chúng ta chưa từng biết đến. Hãy sống và yêu thương những cái cây, đừng chỉ quan tâm đến giá trị vật chất mà cây mang lại, hãy bảo vệ nó như lá phổi xanh của nhân loại bởi: “Dưới tán cây xanh, những sự việc kịch tính hàng ngày và những câu chuyện tình yêu cảm động đang diễn ra.”

Bình luận

Gửi bình luận