[Review sách] - Hai Mặt Của Gia Đình - Choi Kwanghuyn

Ngày: 08/10/2022
Nội dung bài viết

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người, nó là nơi chứa đựng tình yêu thương, cũng có khi là nơi trú ẩn của những ác cảm, có hạnh phúc có cả sự ghét bỏ. Gia đình luôn có hai mặt như vậy. Cuốn sách “Hai mặt của gia đình” được chắp bút bởi tác giả Choi Kwanghuyn sẽ khắc họa rõ hơn về giá trị của gia đình.

“Gia đình là nơi chúng ta sinh ra và hình thành những mối quan hệ đầu tiên. Chúng ta xây dựng mối quan hệ trong gia đình như thế nào, có cảm xúc ra sao, điều đó sẽ cố định kênh cảm xúc được phát sóng trong suốt cuộc đời ta. Và trong ba năm đầu đời, mẹ chính là người quan trọng nhất với trẻ. Trẻ quan sát thế giới và bản thân qua biểu cảm của mẹ. Trẻ phát triển tình yêu thương bản thân lành mạnh bằng sự quan tâm và tình yêu vô điều kiện của bố mẹ. Chúng hài lòng và cảm thấy bản thân thật tuyệt. Từ đó hình thành nên niềm tin ở bản thân, tình yêu thương người khác. Sau này sẽ trở thành lòng tự trọng”.

Mỗi đứa trẻ được sinh ra, đều là món quà của thượng đế, nó không thể lựa chọn rằng nó sẽ mang dáng hình như thế nào, giới tính ra sao, sinh ra trong một gia cảnh như thế nào. Có thể khi chào đời không được như kỳ vọng từ những người thân, từ đó nãy sinh nhiều vấn đề, thêm một người thêm một miệng ăn, khó khăn cứ thể đổ lên đầu đứa nhỏ mới chào đời, hoặc một gia đình khao khát có cháu trai thì lại sinh ra cháu gái, cô gái ấy chắc chắn sẽ thiếu hụt tình thương của gia đình. Hai mặt của gia đình nảy sinh từ những tâm niệm sai lầm của bậc làm cha mẹ, ông bà. Những suy nghĩ sai lệch sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý phát triển tự nhiên của những đứa trẻ. Những tâm hồn non nớt thiếu sự yêu thương sẽ dần trở nên vô cảm, suy nghĩ lệch lạc đôi khi trở thành những đứa trẻ hư, không có lòng tự trọng, không có cả lòng thương người.

“Bố mẹ, người khiến chúng ta tổn thương, không phải là quái vật. Giống như hầu hết các trường hợp, họ chỉ là những con người bình thường sống những năm tháng khó nhọc và phải chịu tổn thương trong các mối quan hệ gia đình phi lý. Khi không thể hiểu được tính lặp lại này, chúng ta không thể nào thoát khỏi vòng luẩn quẩn lặp lại tổn thương.” Đó là vòng lặp lại nguy hiểm của những tổn thương, khi lớn lên trong một gia đình nguy hại, đến khi lập gia đình và tìm bạn đời một lần nữa lại tìm thấy dáng hình của gia đình lúc trước, chúng ta hoàn toàn không nhận thức được những điểm nguy hại đó, bởi chúng ta đã quen sống trong một gia đình như vậy, rồi lại sinh ra những đứa trẻ, rồi lại tổn thương như chúng ta đã từng.

Tác giả lý giải xúc cảm để chúng ta lựa chọn bạn đời, chính là những cảm giác quen thuộc, một con người có thể tái hiện những hình ảnh gia đình thuở nhỏ. Ví như khi chúng ta thần tượng bố mình, thì người bạn đời thu hút bạn sẽ là những người có những điểm giống như bố mình vậy. “Khi lựa chọn bạn đời, chúng ta không chỉ bị cuốn hút bởi yếu tố ngoại hình. Chúng ta đánh giá rất nhiều yếu tố như năng lực, ngoại hình, tính cách, học vấn, bối cảnh gia đình, tôn giáo,… nhưng có một phần quan trọng hơn những khía cạnh thể hiện ra bên ngoài. Đó là chúng ta bị cuốn hút mạnh mẽ bởi người tái hiện lại hình ảnh gia đình thuở nhỏ trong vô thức.” Bất hạnh lặp đi lặp lại ở các thế hệ là như vậy đấy, bởi nét tương đồng qua từng thế hệ. Lúc nhỏ sống như thế nào, khi tạo dựng gia đình chúng ta lại tạo ra một gia đình như vậy trong vô thức. “Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình bố mẹ có cuộc sống hôn nhân bất hạnh rất dễ lặp lại hôn nhân không hạnh phúc như bố mẹ”.

Cách để chúng ta chấm dứt vòng lặp lại của sự nguy hại, cắt đứt cảm giác hai mặt đang trú ẩn trong gia đình chính là ngay lập tức thay đổi, dập tắt những mầm móng đe dọa đến tâm hồn con trẻ. “Thế nên khi trong gia đình phát sinh mâu thuẫn dù lớn nhỏ, người cần bảo vệ trước nhất là trẻ con. Thay vì cố gắng thay đổi hay nhiếc móc mình đứa trẻ chúng gây ra vấn đề, chúng ta cần tìm xem nguyên nhân được sự thay đổi của trẻ xuất phát từ đâu theo quan điểm hệ thống.” Bảo vệ những tâm hồn trẻ thơ trước những tiêu cực, không để những đứa trẻ lại đi theo vết xe cũ mòn mà chính bố mẹ chúng đã từng tổn thương.

“Gia đình là một bể chứa cảm xúc. Đó là lý do vì sao chúng ta cảm thấy tức giận với vợ hay chồng không có lý do nỗi giận với bọn trẻ trong vô thức. Chính vì vậy, nơi chúng ta sống và chịu nhiều tổn thương nhất là gia đình.” “Hai mặt của gia đình” đã lý giải nhiều vấn đề nổi cộm đang xảy ra trong mỗi gia đình và có khi là vấn đề của chính chúng ta. Hãy để gia đình thực sự là tổ ấm để nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi đứa trẻ, gia đình hạnh phúc là nền tảng để tạo nên một xã hội hạnh phúc.

Bình luận

Gửi bình luận