[Review sách] -Kỳ tích là tên gọi khác của sự nỗ lực - Trinh Nguyễn - Hãy nỗ lực tìm kiếm phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình

Ngày: 06/07/2022
Nội dung bài viết

“Kỳ tích là tên gọi khác của sự nỗ lực” là lời cổ vũ của tác giả Trinh Nguyễn với độc giả, những con người đang chông chênh trong việc tìm kiếm bản ngã của chính mình. Hãy nỗ lực tìm kiếm phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình, đừng trở thành phiên bản của một ai khác, bởi chúng ta đều là những người bình thường nhưng không tầm thường.

Với cốt truyện lôi cuốn qua từng trang sách, bạn sẽ chợt nhận ra chính mình đã từng trải qua những câu chuyện như thế, qua cuốn sách này sẽ giúp bạn tràn đầy năng lượng sống tích cực hơn. Cuốn sách chia sẻ đầy đủ các góc nhìn khác nhau về tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, tình thương giữa người với người, những trải nghiệm, những khám phá về cuộc sống.

“Mình cũng biết điều đó, mà sự nhạy cảm cũng khiến mình làm chính bản thân thấy vô dụng. Tại sao mình không thể mặc kệ họ đi và sống cuộc đời mình nhỉ. Thế mà mình vẫn để tâm đấy. Thế mà mình vẫn giữ nó trong lòng, và tiếp tục lo sợ. Có lẽ mình sợ khi phải mở lời, mình sợ họ sẽ đánh giá mình là một người không tốt.” Sự nhạy cảm của bạn đôi khi sẽ giết chết chính bạn, bạn để tâm quá nhiều đến lời dèm pha của người khác, bạn không biết đối mặt với những lời nói đó, đối diện với những con người đó như thế nào, để rồi tự bản thân mình đưa mình vào thế khó, thậm chí đưa đến những quyết định điên rồ. Khi còn nhỏ thì áp lực bởi những so sánh của những người hàng xóm với con cái nhà bên, lớn lên đi làm thì áp lực với những lời dèm pha của đồng nghiệp, rất nhiều vấn đề đưa bạn đến việc trở nên nhạy cảm hơn. Trưởng thành chính là lúc sự nhạy cảm của bạn vì những điều không quan trọng trở nên bình thường, biến nghịch cảnh thành động lực. Cuộc đời không có ai là hoàn hảo trong mắt người khác, vì thế nếu bạn không biết làm bản thân mình hoàn hảo hơn chính là một sự thất bại. Và nhớ rằng sự hoàn hảo là để cho chính bạn, chứ không phải cho một ai khác.

“Bình yên ở bên trong tâm mỗi người, đừng cố gắng tìm nó ở bên ngoài, đừng tìm nó ở ai khác. Sự bình yên hãy từ tâm mình mà ra.” Cuộc sống là một chuỗi ngày không hề an tĩnh, bạn đang hối hả chạy theo sự xô bồ của xã hội mà đôi khi quên tìm kiếm sự bình yên thực sự. Bình yên thực sự xuất phát từ tâm của chính mình, ngồi trên chiếc xe buýt ồn ào nhưng bạn vẫn bình yên trong suy nghĩ mặc cho mọi âm thanh xung quanh tác động, hay bạn không còn quá nặng đầu vì những lời nói không hay. Làm thật nhiều việc tốt, không cần phải cố làm việc tốt cho người khác, hãy tốt với bản thân mình, khi mình biết yêu bản thân chính là lúc tâm mình tự nhiên bình yên đến lạ.

“Mình cảm thấy hạnh phúc của bản thân phải tự đi tìm. Nếu cậu chịu hạ thấp tiêu chuẩn xuống một xíu, cậu sẽ thấy mình may mắn biết nhường nào. Những chuyện trước đây cậu từng than vãn, sau này khi gặp lại, cậu sẽ coi đó là chuyện bình thường. Hạnh phúc của mình là trên một chuyến tàu đông đúc, mình vẫn có một chỗ nhỏ để ngồi. Hạnh phúc của mình là không bị trễ chuyến xe buýt. Hạnh phúc của mình là được một bữa cơm tối thật ngon. Hạnh phúc của mình là dũng cảm đi tìm nó. Thỏa mãn những khát khao của bản thân.” Tác giả đã truyền cảm hứng về sự lạc quan đến với độc giả bằng những câu văn rất đời thường, hạnh phúc không cần phải kiếm tìm đâu xa, gần ngay ta và diễn ra hằng ngày như thế. Đây chính là sự bình yên thực sự từ tâm của chính mình.

Đôi khi chúng ta lang thang tìm kiếm những thứ không thuộc về mình, mỗi người là một bản ngã khác nhau, dù bạn có cố gắng để giống một ai khác, thì điều đó không thể giúp bạn trở nên hoàn hảo được, vì bạn không giống họ. Vì thế hãy nỗ lực để chính bản thân mình trở nên hoàn hảo hơn thay vì trở thành phiên bản lỗi của người khác. Thông qua lăng kính của tác giả bạn sẽ nhận ra rằng hạnh phúc đến từ những điều đơn giản nhất, đừng cố kiếm tìm những thứ quá cao siêu mà đánh mất đi chính bản thân mình.

Bình luận

Gửi bình luận