[Review sách] - Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ - Nguyễn Ngọc Thuần

Ngày: 08/10/2022
Nội dung bài viết

Những đứa trẻ được sinh ra trong thời hiện đại, dường như tuổi thơ sẽ gắn liền với internet và các thiết bị công nghệ. Đó là một phần của sự phát triển, nhưng đó cũng là một trở ngại thực tế, khi những đứa trẻ chỉ nhìn thấy những gì chúng muốn thấy, và nghe nội dung chúng muốn nghe. Khác xa với những miền ký ức tuổi thơ gắn liền với thiên nhiên của thế hệ trước. “Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ”  của  tác giả Nguyễn Ngọc Thuần một lần nữa sẽ đưa chúng ta quay về với những kỷ niệm tuổi thơ, với những khung cảnh nhẹ nhàng thơ mộng, những trò chơi quen thuộc, những câu chuyện dí dõm, tạm quên dần đi với sự ồn ào, nào nhiệt nơi phố thị.

Những ký ức tuổi thơ là những điều rất đỗi bình thường và giản dị, câu chuyện trong tác phẩm là những dòng tự sự của một cậu bé nông thôn, mười tuổi. Sinh ra trong một gia đình nông thôn bình dị nhưng cậu được cha mẹ thương yêu, dạy dỗ rất nhiều điều hay lẽ phải. Cuộc sống của cậu chưa bao giờ nhàm chán, cậu bé hiểu chuyện và rất tốt bụng.

“Theo bố tôi, cái tên quan trọng lắm bởi nó là cái tiếng đẹp đẽ nhất mà người ta sẽ gọi trong suốt cuộc đời một đứa trẻ. Đứa trẻ này khác với đứa trẻ kia trước tiên là một cái tên. Khi nhớ một cái tên tức là ta nhớ về một con người có cái tên đó… Không gì tuyệt diệu hơn khi mình gọi tên người thân của mình… Mình sẽ giữ nó như một kỷ niệm về người bố và người mẹ. Đó cũng là tình cảm ưu ái mà bố mẹ muốn dành cho.” Đó là cách bố cậu dạy cậu yêu quý cái tên mình, khi người ta yêu mến mình và gọi tên mình đó là một niềm hạnh phúc. Khi được bố mẹ đặt cho mình một cái tên, đó là một sự thương yêu, may mắn hơn với những đứa trẻ mồ côi khi vừa lọt lòng đã không biết bố mẹ mình là ai. Cậu bé ấy tên là Dũng, cậu có cái răng khểnh, vốn cậu cho nó là điểm thiếu tự tin của mình, nhưng dần dần cậu tự tin hơn và cười tươi mỗi ngày với nó. “Ái chà! Bố bật cười. Thì ra là vậy. Bố thấy đẹp lắm! Nó làm nụ cười của con khác với những đứa bạn. Mỗi đứa trẻ có một điều kỳ lạ riêng. Có người có một đôi mắt rất kỳ lạ. Có người có một cái mũi kỳ lạ. Có người lại là một ngón tay. Con hãy quan sát đi rồi con sẽ thấy. Con sẽ biết rất nhiều điều bí mật về những người xung quanh mình.” Những lời khuyên dạy rất nhẹ nhàng, gần gũi những đủ để một cậu bé hiểu chuyện như Dũng phải ghi nhớ suốt đời.

Cậu bé Dũng tốt bụng, tự nguyện cho Ông Tư đôi bàn tay của mình, sau khi nghe câu chuyện về Ông, Ông đã bị mất cả tay và chân trong một trận pháo. “Dễ lắm, thỉnh thoảng con chạy sang đây. Ông chỉ việc kêu lên: bàn tay ơi lấy cho tui cái bánh. Thế là bàn tay sẽ chạy lấy cho ông ngay”. Đó là sự dí dỏm đáng yêu của Dũng, khiến cho Ông Tư phải bật cười “khà khà”. Hay khi biết cô Hồng bị bệnh, đang u buồn vì bị mất em bé, Dũng đã tìm cách nói chuyện và an ủi cô: “Chừng nào cô khỏi bệnh, cô đan cho con một chiếc nón len nhé. Con thích chiếc nón có nhiều tua và chiếc mũi dài dài. Thấy cô gật đầu cậu nói tiếp: “Cô có thích ăn bắp rang không?” Cô lắc đầu nhưng mỉm cười với cậu, đó là nụ cười đầu tiên kể từ khi cô mất con. “Tôi vẫn nhớ mẹ thường hay nói với tôi, khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chứ không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn nhưng người khác lại vui hơn. Và đừng bao giờ quay lưng lại với một con người như vậy. Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu giường. Họ cần mỗi buổi tối ghé lại ngồi với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn, và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không….” Cậu nhớ như in lời mẹ cậu dạy dỗ, cách cậu chia sẻ với những  người đang buồn, tuy nhỏ nhưng đủ để họ chữa lành những tổn thương. Điều mà cậu bé mười tuổi làm được, chưa hẳn người lớn chúng ta có thể làm được như vậy.

Mượn lời tự sự của cậu bé mười tuổi, nhưng đó đều là những bài học lớn, mà cả người lớn chúng ta cần phải học tập. Lời kể của người nhỏ tuổi nhưng giá trị nhân văn của nó lại to lớn vô cùng. Cách hay của tác giả, chính là kể chuyện thông qua một đứa trẻ, đó là miền ký ức, những lời dạy bảo của bố mẹ cậu về cách đối đãi với cuộc sống, cách làm người, học cách yêu thương. Những lời dạy đó trở nên nhẹ nhàng hơn, không gay gắt nhưng thấm đượm nhân văn. “Vừa Nhắm Mắt Vừa Mở Cửa Sổ” của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần một cuốn sách nhẹ nhàng và bạn sẽ ghiền nó, hãy nhắm mắt và mở rộng lòng mình để yêu thương và được yêu thương.

Bình luận

Gửi bình luận